Đổi vỏ ốc lấy đô-la

Thứ bảy, 29/05/2010, 10:44 GMT+7

Từ ý tưởng đưa thiên nhiên vào thời trang, Tôn Thạnh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH nút áo Tôn Văn (Thuận An) đã thành công với sản phẩm nút áo được làm từ vỏ ốc, vỏ sò...
 

Căn gác nhỏ làm nên sự nghiệp lớn

“Liều lĩnh khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi để sản xuất nút áo từ vỏ ốc, vỏ sò xuất khẩu, với 4 công nhân và máy móc do tôi tự mày mò chế tạo, dù tin tưởng sự lựa chọn con đường khởi nghiệp của mình nhưng chính tôi cũng không ngờ mình thành công như hôm nay”. Đó là tâm sự của anh Tôn Thạnh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH nút áo Tôn Văn nói về quá trình đưa thương hiệu nút áo phát triển trong 10 năm qua.
Vốn xuất thân là kỹ sư thủy lợi, hơn 10 năm trước có thời gian Tôn Thạnh Nghĩa làm cán bộ nông nghiệp tỉnh Sông Bé, sau đó làm thông dịch tiếng Nhật cho công ty nước ngoài, để rồi hiện nay làm chủ một doanh nghiệp có hơn 100 công nhân. Chặng đường mà Giám đốc Công ty TNHH nút áo Tôn Văn trải qua khá chông gai, nhưng với anh là “tích lũy kinh nghiệm và học hỏi”.
Sau thời gian nghỉ làm cho nước ngoài, cái ý tưởng đưa thiên nhiên vào thời trang, từ vỏ sò, vỏ ốc có thể làm nút luôn đeo đẳng và thôi thúc anh. Quyết định phải làm cho được, bằng nguồn vốn ít ỏi ban đầu, chỉ 20 triệu đồng tương đương với 4 cây vàng lúc này mà mẹ anh bán đất ở quê gởi vào, anh bắt đầu khởi nghiệp. Năm 1997, cơ sở nút áo Tôn Văn ra đời, công xưởng sản xuất đầu tiên của anh là căn gác nhỏ ngột ngạt ở quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Theo lời anh Nghĩa, may mắn và cái duyên của anh trong thời gian làm việc cho công ty nước ngoài là gặp được ông Ohno, một doanh nhân người Nhật, ông rất tin tưởng ở anh. Chính doanh nhân này đã động viên anh rất nhiều và cũng chính ông mới thấy được giá trị những sản phẩm mà anh cùng những công nhân làm ra, thích hợp cho những sản phẩm thời trang cao cấp. Sau thời gian công tác tại Việt Nam, ông Ohno đến Hồng Kông, qua Công ty Head Crown để làm cầu nối đưa sản phẩm của Tôn Văn vào các nước châu Á và chinh phục cả các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ...


Mỗi năm thu về hàng trăm ngàn USD


Đến nay, sau 10 năm, từ cơ sở ban đầu Tôn Văn đã phát triển thành công ty và có nhà máy khang trang trên khuôn viên hơn 1 ha tại Thuận An, Bình Dương. Nhà máy có nhà nghỉ tập thể bảo đảm cho 100% công nhân ở lại tại chỗ miễn phí với sân chơi bóng chuyền, bóng đá mini, thể hình - thể lực...
Theo anh Tôn Thạnh Nghĩa, những máy móc ngày xưa mà anh tự chế tạo để khởi nghiệp giờ được đưa vào phòng “lưu niệm”, nhường chỗ cho máy móc nhập từ Ý. Nên sản lượng được nâng lên đáng kể, khoảng 100.000 nút/ngày. Để đủ cho sản xuất và cung cấp sản phẩm cho khách hàng, nguồn nguyên liệu bây giờ không chỉ có thu gom tại Phú Quốc, miền Trung, miền Bắc, anh còn nhập một số nguyên liệu từ Trung Quốc về sản xuất. Vì đắt hơn cả chục lần so với nút thường, nên tất cả sản phẩm nút của Tôn Văn hiện nay đều xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng trăm ngàn đô-la.
Từ vỏ ốc, vỏ sò xù xì qua máy móc và bàn tay khéo léo của người thợ, những bộ nút đủ màu sắc, kích cỡ được mài bóng và đóng thùng có giá trị cao được xuất đi nước ngoài bằng máy bay. Thành công là vậy nhưng với Tôn Thạnh Nghĩa thì vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mặt hàng từ vỏ sò, vỏ ốc. Dự kiến của anh là làm nhiều sản phẩm từ sò, ốc nữa chứ không phải dừng lại ở nút.
Một trong những ý tưởng mới mà Tôn Thạnh Nghĩa quan tâm là gắn kết nơi sản xuất của anh thành nơi cho du khách tham quan làng nghề. Bởi làm nút từ vỏ ốc, vỏ sò không phải đơn giản, qua 27 công đoạn với tỷ lệ 10 - 20kg nguyên liệu mới tạo thành một kg nút. Hơn nữa, sự độc đáo của nghề này là không thể thiếu bàn tay khéo léo và sự cần mẫn của người thợ. Mỗi lần các đoàn khách nước ngoài đến đây họ xem kỹ và khen ngợi nhiều lắm, đây cũng là hướng xuất khẩu tại chỗ đem lại nhiều ngoại tệ mà các nước đã thành công. “Mình cũng có thể làm được”, anh Nghĩa quả quyết.
Anh Nghĩa kể, lúc khởi nghiệp khó khăn trăm bề, sản phẩm làm ra đã khó, mà để tìm chỗ tiêu thụ cho sản phẩm còn khó hơn, anh cũng đi tiếp thị ở nhiều doanh nghiệp trong nước nhưng nhận được câu trả lời “chờ”, mặc dù chất lượng sản phẩm của Tôn Văn không thua bất kỳ ai, kể cả sản phẩm nhập ngoại. Chính sự kiên trì đã đưa anh đi đến thành công hôm nay.


Người viết : BCĐ (Theo Trọng Minh, Báo Bình Dương)


Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn